top of page
Tìm kiếm
  • Ảnh của tác giảCatherine Nguyen

Những “lời đồn" về sinh viên học chương trình liên kết, ờ nghe thì cũng…

Đã cập nhật: 3 thg 6, 2022

Đã gần một tháng mình buộc phải tạm ngưng ra các nội dung mới để tập trung chạy “đét lai”, phải đến tận hôm nay mình mới có thể ngoi lên đây tiếp tục hành trình luyện cơ tay nhằm mang đến những bài viết thật có giá trị cho các bạn độc giả. Có vẻ như khoảng thời gian này là dành cho các bạn nhỏ khối 12 đang chuẩn bị thi THPTQG, bằng một cách tuyệt vời nào đó, thỉnh thoảng mình cứ nhận được một vài tin nhắn của các bạn ấy hỏi về chương trình liên kết mà mình đang theo học. Tuy nhiên câu hỏi thì ít mà tin đồn thì nhiều, thế nên hôm nay mình quyết định viết về chủ đề này để giúp các bạn có được cái nhìn chung nhất về chương trình này nhé.


Trở lại khoảng thời gian ba năm trước, nếu như chuyện học và thi áp lực một thì việc lựa chọn học ở trường nào còn mệt mỏi hơn gấp bội. Năm 18 tuổi, mình không nghĩ là đã đến lúc mình phải đưa ra quyết định cho tận 4 năm tiếp theo cho tương lai phía trước; mình hiểu rằng ai trong chúng ta ở tại thời điểm đó cũng có rất nhiều thắc mắc xoay quanh ngôi trường, ngành học và chương trình học mà chúng ta muốn nộp hồ sơ vào.

Nguồn: Đại học Tôn Đức Thắng

Thú thật, chọn được nơi học là một chuyện nhưng có gắn bó được với nó trọn vẹn trong vòng bốn năm không thì đó lại là một câu chuyện khác; suốt ba năm vừa qua đã có rất nhiều lần mình nghi ngờ về quyết định học chương trình này và mình luôn đặt bản thân ở trong trạng thái liên tục trải nghiệm, liên tục tìm hiểu để ngầm xác minh những nghi ngờ của mình. Những tin đồn tất nhiên sẽ có cái đúng cái sai nhưng đôi khi chỉ vì những điều mang năng lượng quá tiêu cực lại khiến chúng ta trở nên mệt mỏi và dễ nản lòng, vậy nên mình hi vọng rằng thông qua bài viết này, các bạn sẽ có cái nhìn công bằng cũng như cởi mở hơn với sinh viên liên kết nói riêng và chương trình này nói chung nhé.


Giờ “dô" mổ xẻ các vấn đề chính nè!!!


Lời đồn số 1: Sinh viên liên kết là những đứa sinh ra ở vạch đích, giàu “nhức nách”

Ờ thì cái này nghe cũng có vẻ hợp lý nhưng chắc không phải đối với trường hợp của mình. Nhắc đến chương trình liên kết thì ai cũng biết là sinh viên sẽ có giai đoạn học chuyển tiếp (tức là du học) và y như rằng mọi người luôn nói với nhau rằng “con nhà nòi mới có tiền đi du học”. Thực ra thì toàn bộ chi phí cho cả bốn năm học sẽ tuỳ thuộc vào ngành học, trường và quốc gia chuyển tiếp cũng như các chi phí phát sinh khác chẳng hạn như trường mình là học phí tiếng Anh; nhìn chung hay nói chính xác hơn là nó rẻ hơn so với du học tự túc tầm đâu đó khoảng 40-60% nhưng nó vẫn mắc hơn so với các chương trình học trong nước.


Chính vì vậy, việc chứng minh khả năng tài chính là điều kiện cần thiết để theo học chương trình này nhưng mà điều mình muốn đề cập ở đây là không phải ai học chương trình này cũng giàu có như đa số mọi người thường nghĩ. Gia đình mình không giàu, chỉ ở mức vừa đủ, học phí và tiền tiêu vặt của mình đến từ nguồn thu nhập của mẹ là chính và các bác ở nước ngoài giúp thêm một phần; hay như các bạn của mình thì đã phải đi làm thêm ngay từ năm nhất để trang trải cho việc học.

Nói như vậy có thể một vài bạn sẽ có hướng suy nghĩ là “vậy nếu tài chính không cho phép thì còn đua đòi học liên kết để làm gì, sao không học tiêu chuẩn thôi?”. Đấy là suy nghĩ của từng người, riêng mình thì nghĩ rằng việc có cơ hội học tập ở nước ngoài thì không phải ai muốn cũng được; tất nhiên mình không chê chương trình học trong nước nhưng việc đi du học sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về nền văn hoá mới, có thêm nhiều bạn bè quốc tế và được tiếp cận hệ thống giáo dục của những đất nước tiên tiến trên thế giới.


Thế nên mình nghĩ rằng mỗi người chúng ta đều có quyền được lựa chọn những điều tốt đẹp cho bản thân mình, điều kiện gia đình tốt khiến bạn không phải lo lắng nhiều nhưng nếu không thì hãy cứ cố gắng học giỏi để xin học bổng, làm việc chăm chỉ để có tiền đi học hay vay mượn gia đình bà con gì đó rồi sau này trả cũng được; nói chung là sẽ có cách nếu đó là ước mơ của mình, miễn là mình chịu học thì bất kỳ sự đầu tư nào cho tri thức đều xứng đáng và chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận cao nhất.


Lời đồn số 2: Sinh viên liên kết học “ngu" lắm

Điểm chuẩn đầu vào chương trình này bao giờ cũng thấp hơn so với các chương trình còn lại và cộng thêm từ lời đồn số 1 đã góp phần làm cho lời đồn này "đúng" hơn, nghe lạ lùng ha nhưng đây là tin đồn mà mình đã nghe rất nhiều không chỉ với sinh viên chương trình liên kết mà còn đối với các trường quốc tế tại Việt Nam, điển hình chắc phải nhắc tới là trường RMIT sát bên trường mình. Đáng lẽ chúng ta nên nghĩ theo chiều thuận là khi một người được phát triển trong môi trường học tập tốt thì người ta sẽ có nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn hay như thế nào đó nhưng mình cũng không hiểu sao lại có nhiều người nghĩ theo hướng ngược đây là những đứa trẻ có gia đình chống lưng, vào học chơi cho vui thôi chứ ra trường không cần làm gì cũng có của dư ăn hết đời.

Lớp tiếng Anh Pre-B1

Ồ, đúng là có một số bạn như thế thật nhưng không phải tất cả. Mình nhớ mãi hồi có dịp đi tham quan RMIT, các bạn và các anh chị bên đó thật sự rất giỏi, cực kỳ thân thiện hay ngay cả trong quá trình mình học ở trường cũng vậy, đã có rất nhiều bạn học rất chăm chỉ và thậm chí còn đạt những thành tích nhất định trong học tập. Mình nghĩ là đã đến lúc mọi người nên thay đổi cách suy nghĩ cũ rích này, đừng chỉ nhìn một cá nhân mà vơ đũa cả nắm cả một tập thể. Hãy nhớ rằng ba mẹ không sống với chúng ta cả đời, nếu những bạn được sống trong giàu có nhưng chỉ chơi mà không học thì trước sau gì cuộc đời bạn ấy sẽ khổ bởi vì cuộc sống này chưa bao giờ dễ dàng với bất kỳ ai cả.


Lời đồn số 3: Sinh viên liên kết trong cái trường đó là “con ghẻ" chứ không phải “con cưng”

Lời đồn này mình cũng nghe rất nhiều và nó được chia ra hai trường hợp khác nhau.

Trường hợp 1: Em thấy sinh viên liên kết ít được tham gia các hoạt động của trường, kiểu phân biệt hệ đào tạo tiêu chuẩn, chất lượng cao với liên kết ấy. Tụi em không thấy được ưu tiên tham gia các hoạt động gì hết.

Ừm, hơi sai sai nha. Từ lúc bắt đầu học tới giờ mình đều được tham gia các hoạt động của trường, ngay cả việc đăng ký vào các CLB/Đội/Nhóm cũng khá là dễ chứ không hề có sự phân biệt sinh viên hệ này hay hệ kia gì cả. Về sự ưu tiên cho sinh viên từng chương trình thì lại càng không đúng khi mọi thông báo về các sự kiện đều được đăng công khai trên hệ thống sinh viên, nếu có ưu tiên thì chắc đó là một vài chương trình đặc thù như Job Fair dành cho sinh viên năm cuối nên nhà trường khuyến khích tham gia thôi; vì vậy mình nghĩ là tin đồn này không đúng nha mọi người ơi.

Trường hợp 2: Em thấy các thầy cô trên khoa hay giảng viên có sự hời hợt với sinh viên liên kết, các thắc mắc của em phản hồi rất lâu hoặc tệ hơn nữa là không thèm phản hồi luôn.

Tương tự trường hợp này cũng vậy, mình cũng chưa bao giờ gặp tình trạng như thế. Tất cả các thắc mắc mình gửi email về khoa hay không hiểu gì về môn học cần giảng viên hỗ trợ thì mình đều nhận được phản hồi rất rõ ràng, chi tiết. Mình nghĩ là việc phản hồi lâu hay không phản hồi là do câu hỏi của bạn rơi vào một trong những lý do sau:


Thứ nhất, email không có thưa gửi, không có tiêu đề, không có giới thiệu rõ ràng, gửi sai bộ phận phụ trách xử lý hay trình bày thắc mắc lộn xộn không có đầu có đuôi. Nếu bạn đúng với kiểu này thì hãy cố gắng học cách viết email sao cho chuyên nghiệp, điều này không chỉ dành cho việc gửi email trong môi trường giáo dục mà còn cho việc đi làm của bạn sau này. Một email rõ ràng và logic sẽ giúp người xử lý hiểu được vấn đề của bạn để giải quyết nhanh chóng hơn đó.

Thứ hai, bạn đòi hỏi thầy cô/giảng viên phụ trách phải trả lời liền ngay lập tức. Các bạn phải hiểu là số lượng email mà thầy cô nhận được trong ngày là rất nhiều, chưa kể có những thầy cô không chỉ dạy ở một trường mà còn ở rất nhiều trường thì khối lượng công việc của họ phải dày đặc đến cỡ nào. Thông thường, mỗi người chỉ dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để kiểm tra hòm thư, vì vậy một tips mình gợi ý cho bạn ở đây là nên gửi sớm. Nếu thầy cô phản hồi nhanh trong ngày thì chúng ta nên soạn email trước và hẹn lịch gửi vào tầm sáng sớm thì thầy cô sẽ thấy và phản hồi ngay, mình hay đặt vào tầm 4-5 giờ sáng lắm :))) còn nếu thầy cô có xu hướng phản hồi chậm tầm 2-3 ngày thì chúng ta cũng áp dụng tương tự gửi vào sáng sớm nhưng mà cần trừ hao gửi sớm hơn 1-2 ngày luôn. Hãy cố gắng hiểu và cảm thông cho thầy cô của mình chứ đừng đòi hỏi nhiều cái kỳ cục nhé.


Lời đồn số 4: Sinh viên liên kết thường phải học tận 5-6 năm mới ra trường

Xác nhận luôn là tin đồn này có thật nhưng không nhiều. Ở đây cũng có hai kiểu dẫn đến việc tốt nghiệp chậm, một là do phải mất 1-2 học kỳ hoàn thành lớp tiếng Anh rồi mới được vào học chương trình chính thức và hai là do thi rớt nên phải học lại. Bản thân mình hiện đang rơi vào kiểu đầu tiên do mình hồi đó xuất thân từ khối A và tiếng Anh hơi bết, nhưng mình thấy cũng không đến nỗi quá trễ đâu bởi vì nhà trường luôn cố gắng xếp lịch học để chúng ta đảm bảo tiến độ. Có những học kỳ mình được xếp đến 7-8 môn và bài vở dí chạy muốn “xỉu up xỉu down” luôn đó ạ nhưng tính đến hiện tại thì mình đã gần xong hết các môn ở Việt Nam rồi, nếu mọi thứ ổn áp thì mình dự kiến sẽ chuyển tiếp vào đầu năm sau, tính ra đi luôn từ tháng 9 này cũng được nhưng mình còn phải thi IELTS và mình cũng thích ăn Tết với gia đình xong rồi muốn đi đâu thì đi, dị đó.

Nguồn: CEE

Về kiểu còn lại thì nghe hơi rầu là thi rớt nên phải học lại. Vấn đề của sinh viên liên kết là chương trình đào tạo một số môn khác hoàn toàn so với các hệ đào tạo còn lại, bên cạnh đó là số lượng sinh viên lớp liên kết rất ít dẫn đến câu chuyện là không đủ sĩ số để mở lớp. Cho nên nếu muốn học lại một môn bất kỳ, có thể bạn sẽ phải chờ đến đúng học kỳ đó của năm sau để học chung với mấy em khoá dưới, nó khổ vậy đó mọi người và đôi khi chỉ vì một môn thôi mà làm chậm trễ tiến độ chuyển tiếp sang giai đoạn hai luôn. Không ai muốn ra trường chậm cả, vậy nên là không còn cách nào khác đâu, hoặc là chấp nhận học hành chăm chỉ nghiêm túc hoặc là bạn phải có khả năng đặc biệt nào đó để lôi kéo và đóng tiền cho cả lớp để học lại chung mà thôi ^^ (cách đầu tiên là cách khôn ngoan nhất rồi á).


Lời đồn số 5: Sinh viên liên kết rất nhiều trường hợp đã “gãy cánh" giữa đường

Tự nhiên xui xui cái không qua vài môn, tự nhiên gia đình phá sản sau đợt COVID-19, tự nhiên chi phí phát sinh ở giai đoạn hai nhiều hơn mức dự kiến ban đầu, tự nhiên abczyz lý do làm cho một số bạn chán nản chẳng muốn học nữa. Không ai là muốn những chuyện không vui xảy ra với mình cả, đứng trước tình trạng như vậy, một số bạn đã lựa chọn chuyển sang trường khác nhưng cũng có một số bạn nghỉ học luôn và rẽ sang hướng đi làm, mình đã từng có những người bạn như vậy, đôi khi bất chợt mình vẫn thường tự hỏi là không biết dạo này các bạn ấy thế nào, sống có tốt không nhưng đã quá lâu rồi không còn liên lạc nữa.

Tập thể 19DF0701 những ngày đầu biết nhau :)))

Thế nên mình mới nói là chọn được nơi học là một chuyện nhưng có gắn bó được với nó trọn vẹn trong vòng bốn năm không thì đó lại là một câu chuyện khác, chúng ta sẽ mãi mãi không biết được tương lai chuyện gì sẽ xảy đến với mình, nên là hiện tại hãy cứ cố gắng hết sức và nếu được nữa thì phải lập một vài kế hoạch dự phòng để lỡ có gì bất trắc xảy ra thì ít nhất nó cũng không dồn ép được chúng ta vào bước đường cùng.




Lời đồn số 6: Bằng cấp của sinh viên liên kết thì cũng như bằng của Việt Nam mà thôi

Không biết giống chỗ nào luôn á mọi người ơi, cái này không phải lời đồn đâu mà chính là những lời nói vô căn cứ nha. Chương trình đào tạo khác nhau, học phí khác nhau, ngôn ngữ giảng dạy khác nhau, bằng cấp khác nhau và rất nhiều thứ khác nữa thì sao mà giống được!!! Nếu như cái mà một số người muốn so sánh ở đây là giá trị bằng cấp quốc tế so với bằng cấp Việt Nam cái nào chiếm ưu thế hơn để đi xin việc thì câu trả lời của mình là mình không biết :))). Mình nghĩ là hiện tại thế giới của chúng ta đã thay đổi rất nhiều rồi, khi bằng cấp không phải là thước đo duy nhất để quyết định mức lương của một người mà nó còn phụ thuộc vào các kỹ năng khác cũng như kinh nghiệm mà người ta tích luỹ được. Cơ hội xin việc của mọi người là như nhau, miễn là bạn đủ xuất chúng, đủ tài năng và cần một ít may mắn thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có chỗ cho bạn thôi à.

Đến đây thì cũng kết thúc bài viết của mình rồi, hi vọng sau bài viết này mọi người sẽ có góc nhìn khác dành cho sinh viên liên kết chúng mình nha.


Mình cảm ơn bạn đã đọc đến tận đây, chắc chắn là mình sẽ có thêm nhiều bài viết về chủ đề này hơn nếu độc giả của mình quan tâm. Vì vậy đừng ngại để lại comment bên dưới nha, nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào thì bạn cũng có thể liên lạc với mình qua một trong các kênh mạng xã hội của mình nữa, mọi ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của bạn sẽ luôn được mình ghi nhận và cố gắng hoàn thiện cho những bài viết mới.


Hẹn gặp bạn vào những bài viết lần sau, byee!

Catherine Nguyen

106 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Bạn có muốn nhận được thông báo sớm khi mình có bài viết mới không? Để lại email nhé!

Cảm ơn bạn đã luôn tin tưởng và ủng hộ mình! 

bottom of page