Dành cho những bạn không biết, mọi người có thể tìm hiểu về blog, website và cả sự khác nhau giữa chúng trước khi đọc bài viết của mình nha.
Nhìn lại quá trình tự học blog từ ba năm trước cho tới hiện tại, tự nhiên mình cảm thấy tự hào về bản thân một chút xíu bởi vì mặc dù không phải dân chuyên về lĩnh vực này nhưng mình cũng đã nỗ lực học về nó nhiều nhất có thể. Hiện nay mình thấy có rất nhiều doanh nghiệp chuyên cài đặt sẵn cho các cá nhân hay tổ chức muốn thành lập website/blog, thật ra mình thấy nó cũng tiện cho những đối tượng hạn chế kiến thức về mảng này như mình và sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian hơn cũng như chi phí cho việc này cũng không quá mắc.
Tuy nhiên thì tuỳ thuộc vào mục đích và ngân sách của mỗi người mà sẽ có những lựa chọn khác nhau, cá nhân mình là sinh viên nên cũng không đầu tư quá nhiều, tất cả những gì mình có là thời gian và đam mê thế nên mình chỉ muốn tích luỹ thêm kinh nghiệm cũng như thoả mãn sở thích viết lách mà thôi. Hơn nữa, đối với mình bây giờ blog là nơi chia sẻ và lưu giữ kỷ niệm chứ chưa mang tính thương mại gì cả, đồng thời mình cũng không có nhận nhuận bút hay bật tính năng kiếm tiền nữa nên những thứ mình dùng được đều đến từ các nguồn miễn phí, nhưng nếu trong tương lai có cơ hội thì mình sẽ cân nhắc hehe.
Nếu như bạn hỏi mình về chuyện học blog như thế nào, học trong thời gian bao lâu và học từ ai thì chắc bài viết này sẽ rất là dài. Tuy nhiên đại khái là mình rất thích viết lách và xem vlog, sau đó như một cách tình cờ, mình biết đến hai chị blogger khá nổi tiếng hồi năm 2019 và tự học từ những kiến thức mà họ chia sẻ rất nhiều. Tất nhiên là thông tin các chị đề cập chỉ ở mức cơ bản thôi, với những thứ mình không biết rõ thì mình thường hay lên Google tra rồi tự đọc và mày mò làm theo, vì không học qua trường lớp nên thời gian đầu cũng khó lắm các bạn nhưng mà vì đam mê nên mình thấy nó khá thú vị và nhờ đó mình rút ra rất nhiều điều hay trong lúc tự thực hành.
Bài viết hôm nay mình dành cho những bạn thích viết lách và muốn tạo blog như mình, vì cùng có đam mê giống nhau nên mình sẽ cố gắng chia sẻ những kinh nghiệm trong khả năng mình biết một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất nên bạn có thể dùng bài viết này của mình để tham khảo và nhớ là hãy tự mò mẫm thêm thì mới “master" được nhé!
TIPS 1: Chọn nền tảng phù hợp để phát triển blog
Bây giờ có rất nhiều trang giúp bạn tạo website/blog chuyên nghiệp, chẳng hạn như WordPress hay Wix và Squarespace là ba trang mình biết nè. Từng trang sẽ có ưu nhược điểm khác nhau vì vậy trước khi bạn quyết định sẽ tạo website/blog thì hãy tham khảo từ các anh chị blogger đi trước hoặc thử tạo một trang nháp xem bản thân có phù hợp với nền tảng đó không nha. Cá nhân mình thấy mọi người dùng WordPress nhiều nhưng trải qua nhiều lần thử nghiệm thì mình thấy bản thân thích Wix hơn, chắc là do mình không có con mắt thẩm mỹ quá cao nên việc tự thiết kế layout này nọ khá khó khăn với mình và ở Wix thì nó cho phép thiết kế trang dựa trên các mẫu có sẵn, nhìn chung thì rất tiện cho đứa không chuyên nên mình khá là ưng ấy.
Nhắc về việc tham khảo từ các blogger thì mình cũng không biết quá nhiều người đâu, mình đề xuất cho bạn tham khảo một vài anh chị mà mình biết ở hai nền tảng là WordPress (Chi Nguyễn - The Present Writer, KIRA - The Hanoi Chamomile, Giang Ơi) và Wix (Sunhuyn, Chloe Nguyễn). Bạn biết không, việc mình tham khảo từ các blogger có kinh nghiệm như vậy sẽ giúp chúng mình nhận ra sự khác biệt giữa các nền tảng, cách sắp xếp về bố cục trình bày cũng như cách người ta trang trí blog phù hợp với nội dung và phong cách cá nhân của họ nữa, từ đó chúng ta có thể rút kinh nghiệm khi tạo blog cho bản thân sao cho hoàn thiện.
Một điều mình lưu ý cho những bạn tạo blog từ mẫu có sẵn của Wix như mình là hãy chú ý về màu sắc và font chữ. Hai cái này tuy là chi tiết nhỏ nhặt thôi nhưng khá là quan trọng đó, sự đồng bộ về màu sắc và không bị mắc lỗi font sẽ giúp cho trang blog của bạn được đánh giá cao về sự tỉ mỉ, tinh tế và nhất là nó còn thể hiện được tính cách của từng người nữa. Hai tiện ích ColorZilla và WhatFont trên Chrome Web Store sẽ giúp bạn rất nhiều nếu bạn cần biết trên một trang nào đó người ta sử dụng màu và kiểu chữ gì để dùng lại giống họ nếu muốn, bạn chỉ cần cài nó vào Chrome trên laptop là được.
TIPS 2: Lên ý tưởng trước khi viết và nhớ kiểm tra lại trước khi đăng công khai
Bạn hãy nhớ lại hồi còn đi học các thầy cô dạy Ngữ Văn luôn bắt chúng ta phải viết dàn ý/tóm tắt ra trước khi viết bài hoàn chỉnh để nội dung mà mình trình bày được mạch lạc, rõ ràng và nhất là không giải thích lan man hay tệ hơn là lạc đề. Viết blog cũng tương tự như vậy, việc diễn đạt nội dung bài viết sao cho tinh gọn là cả một hành trình luyện tập không ngừng nghỉ, cá nhân mình hiện tại cũng đang chỉnh đốn lại cách viết sao cho ngắn gọn lại để độc giả không cảm thấy chán hay quá tải khi đọc, nó thực sự khó đó mọi người nhưng cứ từ từ cải thiện thêm nha, nhất là những bạn muốn phát triển về mảng Content Marketing thì càng phải luyện cơ tay nhiều hơn đấy.
Mình có hai công cụ thường dùng cho việc viết nháp hay lên ý tưởng các bài viết, đó chính là Notion và Google Docs trên Drive. Gần đây thì mình dùng Notion nhiều hơn bởi vì giao diện của nó quá đẹp và các tiện ích thông minh nên mình ưng lắm, bạn nhớ chia các danh mục (folder) giống với trên blog nha, ví dụ như mình chia theo nội dung mảng công việc/học tập, giải trí,... y hệt trên blog luôn để tiện cho việc quản lý, lưu trữ hay xem lại đó. Ngoài ra thì bạn cũng nên tạo một bản kế hoạch dài hạn bằng Excel về các chủ đề sẽ viết trong tương lai nữa bởi vì ngoài blog ra thì chắc chắn chúng ta còn dành thời gian cho các hoạt động khác trong ngày như đi học, đi làm,... nên việc biết cách quản lý thời gian và lên kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn phát triển blog một cách nhanh chóng hơn.
Tuỳ thuộc vào mục đích bài viết và “insight" độc giả của bạn mà hãy phát triển hướng viết sao cho hợp lý và thu hút. Một số điều khá quan trọng mà bạn nên cân nhắc khi viết là số lượng từ cần vừa phải, hình ảnh minh hoạ đúng chỗ, văn phong không quá hàn lâm trừ khi nội dung của bạn mang tính đề cao tính triết lý, khoa học, học thuật,... nhưng cũng đừng nên quá trẻ trâu ví dụ như viết tắt, dùng chữ teencode,... và nhất là cách bạn đưa ra quan điểm cá nhân, nói chung là viết blog hay trong cuộc sống cũng vậy, chúng ta nên nhìn nhận mọi thứ ở mức trung lập và cẩn thận xem xét kỹ lưỡng mỗi khi quyết định đề cập đến bất kỳ vấn đề nào đó lên mạng xã hội thì hơn.
TIPS 3: Đầu tư về mặt hình ảnh
Khi dấn thân vào con đường viết blog, nếu như nội dung của chúng ta chưa hay thì thứ cứu vớt nội dung đó chính là hình ảnh. Hãy biết cách lựa chọn hình ảnh đẹp mắt, phù hợp với nội dung bài và đặt đúng chỗ thì biết đâu sẽ giúp độc giả ở lại đọc lâu hơn thì sao ^^, nhất định phải có một trong hai nhé còn nếu không thì nội dung của bạn dường như không mang lại bất kỳ giá trị nào cả. Bàn về hình ảnh thì sẽ có hai kiểu là sử dụng ảnh có sẵn hoặc tự thiết kế, đây là một vấn đề cũng khá nan giải bởi vì cái gì liên quan đến sự sáng tạo thì luôn đi liền với quyền sở hữu trí tuệ, nên là việc chúng mình dùng ảnh của người khác một cách khôn ngoan cũng nói lên sự chuyên nghiệp đó.
Hãy cố gắng đừng vi phạm bản quyền bằng cách sử dụng hình ảnh từ các trang như Pinterest, Unsplash và Pexels, riêng ảnh tự thiết kế mà bạn nào không giỏi về lĩnh vực này thì ban đầu cứ làm với Canva hoặc VistaCreate (trước đây tên cũ là Crello í) trước rồi dần học thêm mấy công cụ khác nếu thấy cần thiết là được. À, ngoại trừ những ảnh phải trả phí thì các ảnh miễn phí khi tải về mà có hiện thông tin tác giả đã đóng góp ảnh thì bạn cũng đừng ngại để lại lời cảm ơn qua comment, email,... cho họ hay thậm chí là ghi nguồn ngay trong bài viết nha; mình biết là có thể người ta cũng được trả một khoản phí khi đóng góp ảnh và các trang có chính sách rõ ràng về việc dùng ảnh một cách thoải mái nhưng mà những hành động như trên sẽ thể hiện bạn là người làm nội dung văn minh và biết tôn trọng sản phẩm của người khác đó.
TIPS 4: Cố gắng tìm hiểu thêm càng nhiều kiến thức càng tốt
Như mình đã nói, trang blog hiện tại của mình được tạo và hoạt động miễn phí 100% nên nếu để ý kỹ bạn sẽ nhận ra tên đường link dẫn vào trang của mình sẽ dính chữ “wixsite”, nếu muốn loại bỏ hoàn toàn thì mình sẽ phải mua tên miền (domain). Hiện tại thì mình chưa có ý định mua (vì chưa có thu nhập ổn định) nhưng mà trong tương lai thì có thể sẽ có nha, ngoài ra còn hàng loạt thứ chúng ta cần biết khi tạo blog nữa là hosting và plugin. Thật lòng mà nói thì mình không hiểu nhiều về mấy cái này cho lắm, mình chỉ biết chúng khi xem video và tham gia khoá học cho beginners miễn phí của chị Chi Nguyễn nhưng là ở nền tảng WordPress còn về Wix thì mình không biết có không vì hiện tại mình chưa gặp tình huống này với Wix bao giờ, nên là bạn có thể xem bài viết của chị Chi tại đây xem sao nha. Mình cũng sẽ để thêm một số video mình đã từng xem trong suốt quá trình tự học để phát triển blog, bạn cứ xem thêm nha, nó hữu ích lắm ấy:
Không biết với các nền tảng khác thì thế nào nhưng đối với Wix thì họ có các gói Premium hỗ trợ khách hàng với những mức giá khác nhau, về khoản này thì nếu bạn muốn gắn bó với blog lâu dài hay muốn tăng thu nhập với hoạt động viết lách và phát triển hơn nữa thành blogger hay content creator thì không còn cách nào khác là chúng ta phải học nhiều hơn về nó thôi. Ngoài những kiến thức cơ bản về website/blog thì bạn cũng nên đọc sách thật nhiều, trải nghiệm đi đây đi đó nhằm mở rộng kiến thức, vốn từ cũng như tìm hiểu thêm về IT, SEO, Marketing (đào thật sâu về Content Marketing nha) và cả các thứ cơ bản về tài chính hay thống kê/phân tích dữ liệu nữa bởi vì bạn sẽ phải đọc báo cáo về tình hình phát triển blog của bạn cũng như thu nhập từ công việc này thường xuyên đấy. Cứ học đi, bởi vì không có kiến thức nào trên đời này là thừa cả!
Chắc là bài viết cũng tương đối dài rồi, mình sẽ khép lại bài viết hôm nay tại đây. Nếu như có ai đó hỏi mình rằng việc tự học blog có mệt không, có khổ không, có mất thời gian và công sức không thì câu trả lời chắc chắn là có. Ba năm không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng đủ để mình học được nhiều điều mới mẻ từ lĩnh vực này, thật tình đã có nhiều lần blog của mình gặp trục trặc phải chỉnh sửa rồi tạo mới rồi gặp nhiều lỗi lặt vặt lắm, nhưng mình thực sự rất vui và cảm thấy bản thân có ích khi có thể chia sẻ nhiều thông tin hay ho và thông điệp ý nghĩa từ góc nhìn của mình đến mọi người, cảm giác lâu lâu lại có người lạ nhắn tin và nói lời cảm ơn mình nó vui lắm các bạn, đó giờ mình luôn nghĩ là cứ cho đi vì biết đâu có nhiều người cần chúng thì sao, làm được gì tốt thì cứ làm.
Hi vọng bài viết này sẽ đến được với những bạn cần nó trong công việc viết blog, còn nếu không thì mình cũng mong rằng sẽ có nhiều người đọc để được truyền cảm hứng về tinh thần tự học ở bất kỳ lĩnh vực nào khác, tất nhiên việc đi học một cách bài bản sẽ có những cái lợi nhưng tự học thì có cái vui riêng của nó và mình thích bắt đầu mọi thứ bằng việc tự mò mẫm và nỗ lực làm bằng được theo cách riêng của mình hehe.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm và ở lại đọc, mình xin hẹn bạn vào những bài viết lần sau. Nếu như bạn nào đọc bài của mình xong và đã bắt đầu làm blog rồi thì hãy để lại cmt bên dưới nha, mình chắc chắn sẽ ghé thăm blog của bạn nè, đừng quên điền email đăng ký để nhận được thông báo từ mình về bài viết mới sớm nhất nhé! Byeee...love.
Catherine Nguyen
Update 25/04/2022: Ngoài Wix, Wordpress và Squarespace mình đã recommend thì mọi người có thể tham khảo nền tảng Hostinger nhé. Hôm nay mình mới thử tốn mấy chục nghìn để test dịch vụ bên này và nhờ vậy mình mở mang thêm một điều thú vị mới.
Chuyện là mình muốn mua domain cho blog này và vô tình thì biết đến trang Hostinger, mình thấy giá cả rất ổn luôn chỉ tầm khoảng dưới 250.000 cho một domain .com trong thời gian sử dụng là 1 năm, ngoài ra còn có rất nhiều domain khác giá hạt dẻ hơn là 30.000/năm/domain. Mình đã mua thử xem sao và kết quả là mình không thể connect được với blog…