top of page
Tìm kiếm
  • Ảnh của tác giảCatherine Nguyen

Từ choáng ngợp đến hiệu quả: Mình làm sao để không bị chìm trong “biển” thông tin vô tận trên mạng?

Đã cập nhật: 7 thg 4

Một điều mình nhận ra trong quá trình đảm nhận vai trò trưởng nhóm cho nhiều môn học trên lớp cũng như là các nội dung truyền thông của câu lạc bộ, đó là rất nhiều bạn khả năng viết khá ổn và tìm kiếm được nhiều nguồn thông tin rất hấp dẫn nhưng lại chưa biết cách chọn lọc và “xào nấu” thế nào để cho ra một nội dung phù hợp, chất lượng.


Có bạn đưa cho mình duyệt những nguồn tham khảo từ những trang rất chính thống, độ tin cậy cao để đưa vào dẫn chứng nhưng nó không hề phù hợp với chủ đề chính mà cả nhóm đang tìm hiểu, dẫn đến khâu viết trớt quớt không hề liên quan, khớp với toàn bài và phải xoá bỏ. Lần khác, cũng có bạn rất mạnh dạn đưa cho mình duyệt một số nội dung dưới dạng tin tức/bài phỏng vấn/video trên Youtube, các bài chia sẻ kinh nghiệm từ những người có ảnh hưởng trong ngành vào dẫn chứng cho bài nghiên cứu khoa học (NCKH), điều này mình nghĩ không hẳn là sai hoàn toàn nhưng liệu nó có phù hợp không thì mình nghĩ là không.

Khác với những bài essays cá nhân hay bài tập thuyết trình nhỏ, ta có thể sử dụng đa dạng nguồn để minh hoạ cho nội dung và giúp việc trình bày trở nên phong phú hơn thì đối với những bài báo cáo cuối kỳ, NCKH, khoá luận tốt nghiệp, luận văn,… (những thứ mà có quy định chặt về cách thức làm bài, nguồn tham khảo, kiểu trích dẫn) thì không phải muốn cho vào cái gì cũng được.


Hẳn là ai cũng có đôi lần ám ảnh với việc tổng hợp “citing”, từng câu chữ viết ra phải chọn lọc kỹ nếu không muốn kết quả trả về không cao, bị bắt lỗi những chi tiết nhỏ nhặt hay tệ hơn bị xếp vào nhóm bài gây tranh cãi do nhóm/cá nhân thực hiện còn gặp nhiều hạn chế về phương pháp làm bài, nội dung lập luận nhiều chỗ không logic. Điều này làm tốn khá nhiều thời gian và công sức để “final”, với trường hợp NCKH có khi còn không được công bố trên tạp chí khoa học nữa.


Có rất nhiều rắc rối không đáng có thể xảy ra chỉ vì khúc tìm, khai thác và sử dụng nguồn tham khảo. Chính vì vậy, mình chân thành khuyên bạn, đặc biệt với những bạn có thế mạnh hoặc được giao nhiệm vụ kiểm soát chính ở khâu content, đó là bước đầu tiên trong việc làm nội dung không phải lao vào viết nháp (draft) ngay mà quan trọng nhất là xác định được mục đích viết nội dung đó là gì và biết phân loại các nguồn thông tin minh hoạ, dẫn chứng theo nhóm lớn phù hợp với dàn bài (outline) đã được định hình trước đó. Mình thường chia ra thành nhóm nguồn mang tính học thuật và nhóm nguồn mang tính thường thức.

Nhớ nhé,


Bước 1: Xác định xem mục đích viết nội dung là gì, có những yêu cầu gì cụ thể hay không.


Bước 2: Lên outline, bắt đầu tìm các tài liệu tham khảo để trích dẫn và đem vào dẫn chứng bổ sung chi tiết cho dàn bài. Nếu tốt hơn nữa, hãy cố gắng vừa đọc vừa phân loại luôn để sau này tiện lọc và lược bỏ những nguồn không phù hợp với hướng bài làm.


Trong phạm vi một bài bất kỳ nào đó, mình nghĩ không phải tất cả các nguồn tham khảo mang tính học thuật HOÀN TOÀN KHÔNG ĐƯỢC dùng lẫn với nguồn tham khảo mang tính thường thức và ngược lại. Một số nguồn thường thức vẫn có thể dùng nhưng cần phải được xem xét kỹ lưỡng hoặc nên tham vấn ý kiến của giảng viên/giáo sư hướng dẫn trước nhằm tránh được những rủi ro như mình đã đề cập phía trên.


Ngược lại, với các bài tập không có nhiều yêu cầu khắt khe, chẳng hạn như thuyết trình, thì các nguồn học thuật hoàn toàn có thể dùng giúp nội dung trình bày hay hơn, được đánh giá cao về tính kỹ lưỡng và có đầu tư thời gian tìm hiểu. Tuy nhiên, bạn cũng cần tiết chế ở mức độ vừa phải để người đọc, người ngồi nghe không cảm thấy quá ngộp vì quá nhiều thứ học thuật được đưa ra nhưng lại chẳng thấy tính ứng dụng vào thực tiễn của nó đâu cả.


Trong bài viết hôm nay, mình sẽ lần lượt chia sẻ những cách giúp bạn không bị quá tải trong quá trình bơi trong lượng thông tin vô tận và chọn lọc sao cho phù hợp với từng dạng bài tập/dự án nha.


A. NGUỒN MANG TÍNH HỌC THUẬT

Với bạn, như thế nào là nguồn mang tính học thuật?


Không đâu xa cả, đó là những quyển sách giáo trình và các bài nghiên cứu; những cái như sơ đồ, bảng báo cáo phân tích dữ liệu do các tổ chức lớn thực hiện, chẳng hạn như World Bank hay IMF hay Statista cũng được xem là nguồn uy tín có thể dùng trong học thuật.

Các file nội dung bài giảng từ các khoá học trực tuyến trên thế giới, hay slides của giảng viên trên lớp thoáng nghe qua thì có vẻ rất học thuật nhưng bạn không nên hiểu đó là nguồn tham khảo học thuật nha.


Chính xác hơn, nếu bạn muốn trích dẫn nó thì phải tìm đúng nguồn gốc mà giảng viên đó đã sử dụng để thiết kế giáo án; và khi ghi vào “references” nó nên là Journal abc Volume xyz, page nào chứ không phải kiểu “From slide ppt of Prof.Nguyễn Văn A (my lecturer)” nha!!!!!!!




Làm sao để tìm được những nguồn này?

Ở bài viết lần trước, mình đã chỉ cho bạn cách tìm các quyển giáo trình rồi, tuỳ thuộc vào lĩnh vực bạn quan tâm hay chuyên ngành bạn học là gì mà sẽ có những quyển sách phù hợp. Bạn hãy tìm lại và đọc tại đây nếu chưa biết nhé.


Riêng với những bạn học ngành Kinh doanh Quốc tế như mình thì có những quyển sách sau rất hữu ích mà bạn có thể tham khảo ngay trên hồ sơ Academia của mình á:


- Supply Chain Management: Strategy, Planning, and Operation - Sunil Chopra and Peter Meindl

- Logistics and Supply Chain Management - Martin Christopher

- Export/Import Procedures and Documentation - Donna L. Bade

- International Business - Charles W. L. Hill


Ngoài ra, có một vài nguồn sách Việt Nam mình nghĩ có thể trích ra dùng hay thậm chí là minh hoạ cho bài thuyết trình cá nhân/nhóm cũng khá ổn, bạn tìm mua thử nha:


- Logistics: Những vấn đề cơ bản - GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân

- Quản Trị Chuỗi Cung Ứng Những: Phương Pháp Hay Nhất - David Blanchard

- Cảng biển Logistics: Nhìn lại một hành trình phát triển - Đặng Dương (bạn nào đang tìm hiểu hay nghiên cứu sâu về cảng Cái Mép - Thị Vải thì quyển này rất có giá trị đó)


Đó là với giáo trình, vậy các bài nghiên cứu khoa học thì sao?

Có rất nhiều cách để bạn có thể tìm được một tạp chí khoa học hay các bài nghiên cứu cụ thể liên quan đến chủ đề mà bản thân muốn đào sâu.


Cách 1: Google Scholar

Quá quen thuộc đúng không, hầu hết các bạn sinh viên nào cũng biết đến công cụ này. Bạn chỉ cần gõ từ khoá là sẽ xuất hiện rất nhiều các nguồn tài liệu uy tín, đáng tin cậy và tất nhiên là có thể dùng được trong bài làm của mình.

Link truy cập: https://scholar.google.com/


Nhưng bạn đã biết cách làm sao để tìm ra được đúng chủ đề mà bạn cần tìm chưa? Nếu chưa, hãy tìm hiểu đi nhé vì khi bạn xác định được vấn đề càng cụ thể và đưa ra câu lệnh tìm kiếm phù hợp thì xác suất kết quả cho ra rất nhiều bài viết liên quan hơn đó. Ví dụ như, mình thử gõ tìm là Green Logistics thì kết quả cho ra tận 1,680,000 bài nhưng nếu gõ Green Logistics in “Vietnam” thì chỉ có 75,600 bài phù hợp để đọc thôi. Bằng cách này, bạn sẽ giới hạn được những nguồn nào cần đọc và tham khảo đó, rất là tiết kiệm thời gian và giữ cho đôi mắt đỡ vất vả nhiều lắm.


Cách 2: Tìm trực tiếp trên các công cụ tra cứu tài liệu học thuật

Tương tự như Google Scholar, dưới đây là một vài công cụ mà mình gợi ý cho bạn để tìm kiếm các nguồn tham khảo học thuật. Mặc dù mỗi trang đều có ưu nhược điểm khác nhau nhưng điểm chung là đều đem đến cho bạn rất nhiều các bài nghiên cứu trước có giá trị, riêng với những bạn đang cần tìm nguồn cho bài nghiên cứu khoa học thì đây là những công cụ bạn không nên bỏ qua đâu đó:


- MDPI

- SAGE


Cách 3: Chat GPT

Cách một và hai là dành cho những bạn đã xác định được chủ đề mà mình muốn tìm hiểu rồi, chỉ thiếu phần dẫn chứng cụ thể thông qua các bài tham khảo thôi. Vậy đối với những bạn chưa xác định được chủ đề nào thú vị để làm luôn thì sao nhỉ, hay khi bạn muốn kiểm tra xem liệu chủ đề bạn quan tâm và muốn phân tích sâu đã có bao nhiêu người từng làm rồi, nó đã bão hoà chưa và liệu bạn tiếp tục làm có mang đến tính độc đáo, mới mẻ hơn so với các nội dung đã làm trước đây không.


Hãy nghĩ đến Chat GPT nhé. Đây là một công cụ khá mới nhưng với giới trẻ chúng mình thì không còn xa lạ gì nữa. Thành thật mà nói, em bé robot này rất hữu ích với mình trong đợt làm đề án tốt nghiệp vừa qua; vì có rất nhiều khía cạnh mình không giỏi, luôn thắc mắc trong NCKH và không biết nên hỏi ai thì em ấy như là một người bạn đồng hành với mình.

Nó có vẻ giống Google nhưng mình thấy đôi khi nó thông minh hơn nhiều. Gần đây, mình hay “nhờ vả” nó giúp mình đưa ra các ý tưởng hay cho blog, xếp cho mình kế hoạch học tiếng Trung dành cho người mới bắt đầu và mới hôm qua thôi, mình đã nhờ nó tìm cho mình một số quyển tạp chí khoa học hay có liên quan đến chuyên ngành của mình. Kết quả cũng rất ổn áp đó, đây là những gì em ấy đề xuất cho mình nè:


- Journal of Business Logistics

- Transportation Research Part E: Logistics and Transportation Review

- International Journal of Physical Distribution & Logistics Management

- Supply Chain Management: An International Journal

- Journal of Supply Chain Management


Mình đã thử vào xem và thấy có rất nhiều tập (volume) trong một quyển tạp chí khoa học. Bằng việc sắp xếp theo các tập thế này, chúng mình có thể dễ dàng theo dõi năm xuất bản của từng bài, lọc ra được chủ đề nào có xu hướng được tìm hiểu nhiều trong những năm gần đây và cân nhắc cho vào bài làm của mình (nếu có) như một dẫn chứng hoặc đọc để rút kinh nghiệm và tự tìm ra hướng nghiên cứu mới có phần khác biệt hơn.


Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Không phải mọi thứ trên đời này đều miễn phí!

Một ấn phẩm nghiên cứu tuy chỉ vỏn vẹn vài trang thôi nhưng để hoàn thành và được công bố lên tạp chí khoa học là điều không hề dễ dàng, có những thầy cô mình biết đã phải dành rất nhiều tâm huyết cho nó trong nhiều tháng trời, dành cả thanh xuân và trầy da tróc vẩy với NCKH, có người làm vì niềm đam mê bất tận nhưng có cũng có người được tài trợ để dành thời gian nghiên cứu nữa, con số họ có thể nhận được đôi khi lên đến mấy ngàn đô cho mỗi lần thực hiện - nghe quá trời hấp dẫn.

Vì lẽ đó, một ấn phẩm khoa học có thể nói là rất giá trị cho doanh nghiệp hay cá nhân muốn sử dụng nó, mỗi bài xuất bản như vậy có giá vài trăm đô là bình thường. Dẫu vậy, không phải ai cũng có điều kiện mua với giá gốc này, vẫn có những cách để giúp mọi người có thể đọc và tham khảo, nhất là sinh viên có thể truy cập dễ dàng cho mục đích học tập.


Cách 1: Truy cập trực tiếp với file pdf

Ở các quyển tạp chí khoa học, họ không khoá 100% tất cả các bài xuất bản. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy có rất nhiều bài được ghi ở phần thông tin mô tả là “open access” hay biểu thị bằng ký tự ổ khoá được mở, dễ thấy hơn nữa là sẽ có hẳn mục ghi là “view pdf”. Tất cả dấu hiệu này đều có nghĩa rằng đây là tài liệu mở, bạn có thể truy cập và xem miễn phí.


Cách 2: Dùng SCI-HUB

Trang web này rất nhiều bạn đã biết, nó là website có khả năng “bẻ khoá” và cho phép truy cập miễn phí rất nhiều tài liệu có phí :))). Bạn chỉ cần dán cho nó một cái link bài gốc là nó sẽ mở cho đọc, nhưng cái này cũng hên xui lắm, không phải bài nào cũng vào được. Rất nhiều lần mình tìm được vài bài viết hay mà thả vô đều không được nên đành chịu và tìm bài khác.


Link truy cập: https://www.sci-hub.se/


Cách 3: Đăng nhập bằng tài khoản/email tổ chức

Hiện nay, có rất nhiều tổ chức, nhất là các trường đại học sẵn sàng đăng ký và mua quyền truy cập vào những trang tạp chí khoa học để phục vụ cho việc học, tìm hiểu và nghiên cứu của sinh viên. Vì vậy, mình muốn nhắc lại lần nữa sức mạnh thần kỳ của email sinh viên, các bạn hãy mạnh dạn hỏi phía trường mình đang học xem email mà trường cung cấp liệu có thể truy cập hay không nha. Nhiều trường đã làm việc này rất tốt nhưng sinh viên vì ngại không chịu hỏi mà đánh mất đi quyền lợi của mình đó, còn gì tuyệt vời hơn khi có thể truy cập tất cả tài liệu và miễn phí đúng không nào.


Cách 4: Mua với giá ưu đãi cho sinh viên và doanh nghiệp

Nếu như ba cách trên mình đưa ra đều không thể giúp gì được cho bạn, nhưng bạn lỡ thích nguồn tài liệu đó quá thì phải làm sao? Mua đi, đây là phương án cuối cùng nếu bạn cực kỳ muốn đầu tư cho nội dung của mình. Tuy nhiên, đừng mua với giá gốc mà hãy mua với giá ưu đãi.

Mình có tìm hiểu cái này, mỗi một trang xuất bản tạp chí khoa học sẽ đưa ra những mức giá khác nhau. Cụ thể hơn, có trang cho phép mua tài liệu theo mục đích sử dụng, doanh nghiệp giá khác (khoảng từ $32 tuỳ bài) mà học thuật và nghiên cứu là giá khác (khoảng từ $24 tuỳ bài) - tất nhiên là sinh viên thì sẽ luôn được hưởng mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên cũng có trang cho phép mua dựa theo lượng thời gian truy cập, Taylor & Francis là một ví dụ, nếu bạn mua file pdf và truy cập online trong vòng 48 giờ thì giá sẽ rẻ (khoảng từ $50 tuỳ bài) nhiều hơn so với việc mua và sử dụng luôn trong 30 ngày (khoảng từ $100 tuỳ bài).


B. NGUỒN MANG TÍNH THƯỜNG THỨC

Không giống những nguồn học thuật, các nguồn mang tính thường thức đơn giản và dễ tìm hơn nhiều vì chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi và khá gần gũi với đời sống. Những nguồn tài liệu này sẽ thích hợp để viết nội dung cho phần mở đầu (introduction), kết luận (conclusion), những đề xuất/giải pháp thực tiễn (recommendation - suggestion - solution) hay trong một số bài tập cá nhân và thuyết trình, mình cũng thường xuyên dùng nó làm tình huống thực tế (case study) và ví dụ minh hoạ rồi kết hợp với một ít kiến thức lý thuyết nhằm giúp cho toàn bài hoàn chỉnh hơn.


Với phần này, để cho dễ hiểu nhất, mình sẽ lấy ví dụ về ngành học của mình. Bạn có thể tìm các nguồn thông tin tương tự như cách mình đã áp dụng.


Influencers trong ngành

Ở bất kỳ lĩnh vực nào, bạn cũng nên tìm cho mình một vài anh chị/cô chú có ảnh hưởng lớn và hoạt động tích cực trên mạng xã hội. Vì không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, làm việc chung hay đến tham dự các hội thảo mà họ làm diễn giả, cho nên việc tìm được “in tư” là cách đơn giản nhất mà chúng ta có thể làm để tiếp cận những kinh nghiệm mà họ có thông qua những bài viết mà họ chia sẻ mỗi ngày.

Với chuyên ngành của mình, mình đã kết nối với một vài người rất “xịn” như bác Trần Thanh Hải (Phó Cục Trưởng Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương), chị Nhan Huynh (CEO tại Tân Minh Trí - Trung Tâm Training Thực Tế NV Xuất Nhập Khẩu), anh Trần Hữu Nguyên (Marketing Manager tại VILAS), anh Võ Thanh Tú (CEO và Founder tại ONEX Logistics), anh Khiêm Trần (Brand Development Director at U&I Logistics Corporation).


Mạng xã hội nếu bạn biết tận dụng thì nó sẽ trở thành một công cụ giúp ích rất nhiều cho việc học cũng như công việc của bạn sau này. Ngoài Facebook, bạn cũng có thể kết nối với rất nhiều người khác thông qua LinkedIn, TikTok và Youtube nữa nha. Đợt trước mình có gợi ý cho bạn 04 anh chị rồi đó, bạn có thể tìm đọc lại tại đây, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ đâu, bạn hãy cố gắng khám phá thêm nha.


Website bộ, ngành

Việt Nam mình có rất nhiều bộ, ngành và nó đều có trang website riêng biệt để cập nhật các tin tức hay hệ thống văn bản các quy định, chính sách liên quan đến nhóm ngành cụ thể. Hồi trước, lúc mình tìm hiểu về lĩnh vực cà phê để lọc thông tin cho bài báo cáo cuối kỳ, mình đã vào trang của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để đọc.

Ngoài ra, thỉnh thoảng mình cũng hay vào tìm nội dung trên trang của Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính và Bộ Giao thông vận tải vì nó có liên kết mật thiết với chuyên ngành của mình.


Mình nghĩ những trang web của bộ, ngành này sẽ rất có ích với những bạn định hướng phát triển về sales xuất khẩu. Mỗi ngành/mặt hàng sẽ có hàng loạt các văn bản mà bạn cần nắm để làm đúng, làm tốt.


Các hiệp hội, học viện, group học tập, công ty và kênh truyền thông/dự án chia sẻ kiến thức.

Để mà liệt kê ra tất cả những trang mình biết thì thực sự rất nhiều và không phải một sớm một chiều là có thể tìm ra được, cá nhân mình cũng đã phải tự mò mẫm hoặc thông qua những người quen biết mới có thể biết và tổng hợp được nhiều. Mình sẽ gợi ý cho bạn một số ít kênh trong ngành mình học như sau:


- Cafe Logistics Việt Nam (nhóm kín trên Zalo ^^)


Còn nhiều lắm các bạn ơi. Nếu bạn nào cảm thấy mệt mỏi khi chưa tìm được nội dung như ý thì đừng vội bỏ cuộc sớm nha, hãy cứ kiên trì tìm và tìm, điều tuyệt vời sẽ xuất hiện xứng đáng với công sức của bạn. Sau này nhìn lại “bộ sưu tập” ấy, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tự hào về bản thân lắm đấy!


Các trang tin tức hàng ngày

Hồi trước, lúc ông nội mình còn sống, ngày nào ông cũng bật TV xem tin tức. Sáng sớm xem, trưa xem, tối cũng xem - bất cứ khi nào tới giờ tin tức là ông sẽ xem. Lúc đó mình còn nhỏ, cảm thấy việc cập nhật tin tức hàng ngày cực kỳ nhàm chán cho tới khi mình vào đại học và cần tìm kiếm những nguồn minh hoạ từ “người thật, việc thật” để làm dẫn chứng cho bài.


Vì thế, từ đó đến nay, dù không thường xuyên nhưng khi nào mình bật laptop lên cũng hay vào Youtube và xem tin tức. Tuy thói quen này có phần hơi già dặn so với mấy bạn đồng trang lứa nhưng mình cảm thấy tự hào vì đã học và duy trì được thói quen hữu ích này từ ông, tự nhiên viết ra làm mình nhớ ông quá đi. Việc xem tin tức không nhất thiết bạn phải hiểu 100%, cho dù đó là lĩnh vực học của bạn thì có những thứ chúng ta chưa biết vì kiến thức vô cùng rộng mà, nhưng bạn hoàn toàn có thể vừa xem vừa ghi chú sau đó để dành tìm hiểu dần.

Đối với mình, cách duy nhất để học mà không chán là phải biết liên lục tò mò, liên tục đặt câu hỏi và không ngừng tìm ra cách làm sao áp dụng những kiến thức mình học được vào thực tế. Hãy biến kiến thức của nhân loại trở thành kiến thức của chính bạn.

Mình sẽ lấy ví dụ để giúp bạn biết cách xem tin tức làm sao cho hiệu quả. Chẳng hạn như mình chọn ngẫu nhiên xem một tin về chủ đề mình quan tâm có tiêu đề là “Vải u hồng Việt Nam xuất khẩu sang Anh có giá hơn 400.000đ/kg” của Đài VTV24, thì trong lúc xem mình có thể ghi chú ra một vài thắc mắc như:

  • Vải u hồng là gì? Nó khác gì so với vải thiều? Mã HS CODE của chúng liệu giống hay khác nhau?

  • Vì sao mẹ đi mua ở chợ có 30.000/kg mà sao xuất khẩu sang nước ngoài lại mắc như vậy? Nó bao gồm những chi phí nào, quy định ra sao và quy trình xuất nhập khẩu diễn ra cụ thể thế nào?

  • Tại sao gọi nó là lô hàng chính ngạch?

  • Trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, Global Gap là gì?

  • Xu hướng “về vườn đi chợ” tác động như thế nào đến việc mua hàng của người tiêu dùng?

  • Việt Nam xuất khẩu sang Anh có được hưởng ưu đãi gì không? Có hiệp định thương mại nào được áp dụng hay không? Dùng C/O form nào nhỉ!

Hàng loạt các câu hỏi mà bạn có thể nghĩ ra chỉ trong một video chưa tới 5 phút, và nó có thể là nguồn minh hoạ cực kỳ hay ho mà bạn có thể chọn để bổ sung cho chủ đề hay môn học của bạn nếu cảm thấy phù hợp. Sau khi xem tin, bạn có thể tự tìm hiểu trên mạng, hỏi trực tiếp thầy cô hay là tham khảo CHAT GPT, ngày nay công cụ học tập không hề thiếu, vấn đề chỉ là bạn có khả năng tự học và biết cách dùng chúng đúng cách hay không.


Tin mình đi, càng đọc nhiều, vốn hiểu biết của bạn càng rộng. Hiện nay, có những kênh tin tức mà mình hay xem là VTV24, FBNC Vietnam, BBC News, Báo Tuổi Trẻ,… mình thích xem tin tức dạng video hơn, tuy nhiên bạn nào muốn đọc thì mình cũng biết một số kênh - mấy kênh này mình có lưu nhưng hiếm khi vô đọc lắm, tại mình cũng hơi lười nên khi nào cần mới mò vô tìm thôi à:


- Harvard Business Review (trang này vừa học thuật vừa thường thức nha mọi người, rất nhiều case studies trong này đó)

Và đó cũng là tất cả những gì mình mình muốn chia sẻ đến bạn trong phạm vi bài viết hôm nay. Hi vọng những gì mình đề cập có thể giúp bạn phần nào đó trong quá trình thực hiện các dự án học tập của mình, hay chỉ đơn thuần là giúp bạn biết đến một vài nguồn tin chất lượng để tự học và nâng cao kiến thức nếu bạn cũng đang học chuyên ngành giống mình (Xuất nhập khẩu - Logistics - Quản trị chuỗi cung ứng).


Với những bạn ngành khác, hãy xem những chia sẻ của mình như là cách giúp bạn có thể định hướng và phân loại được ra những nhóm thông tin, biết đâu tips của mình cũng hiệu quả với bạn và từ nay, bạn sẽ không còn phải lăn tăn hay mệt mỏi khi phải đi tìm tài liệu phù hợp giữa rừng thông tin trên mạng nữa.


Cảm ơn bạn vì đã dành thời gian đọc hết bài viết này của mình nha!


Catherine Nguyen

62 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Bạn có muốn nhận được thông báo sớm khi mình có bài viết mới không? Để lại email nhé!

Cảm ơn bạn đã luôn tin tưởng và ủng hộ mình! 

bottom of page