top of page
Tìm kiếm
  • Ảnh của tác giảCatherine Nguyen

Tìm và khai thác nguồn tài liệu học thuật hiệu quả? Cách để tận dụng tối đa quyền lợi sinh viên

Đã cập nhật: 7 thg 4

Gần đây, mình có đọc được một bài viết về năng lực đọc sách của trẻ, trong đó có một đoạn ghi là “Tiêu chuẩn trên thế giới về tốc độ đọc trung bình của học sinh bước vào trường đại học phải từ 40-50 trang/giờ”. Cá nhân mình thấy để có thể đọc được với tốc độ này không phải chuyện dễ dàng mà nó cần phải được luyện tập và duy trì mỗi ngày, tập từ thói quen đọc sách cho đến việc đọc hiểu sâu rồi mới có thể đọc lướt những đoạn, phần bản thân đã nắm chắc và cuối cùng mới là rút ngắn thời gian đọc.

Là một người thích đọc sách nhưng mình cảm thấy việc duy trì đọc mỗi ngày đã gian nan rồi huống chi là rất nhiều bạn trẻ ngày nay không thích đọc sách. Các bạn ơi, dù có thích hay không thì cũng hãy ráng làm sao để rèn luyện cho bản thân thói quen đọc sách; mình không viết điều này với tư cách là một người truyền cảm hứng hay đại sứ văn hoá đọc gì cả nhưng trải qua gần 4 năm trong môi trường học thuật, mình nhận thấy rằng chắc chắn việc học của mình sẽ không thể nào suôn sẻ và đạt kết quả cao nếu không có sách cũng như là những tài liệu tham khảo khác đồng hành.


Tuy nhiên, không phải ai siêng đọc sách, thích đọc sách đều học giỏi và biết ứng dụng nó vào môn học một cách hiệu quả. Đọc hay đọc nhanh thì dễ nhưng làm sao nhớ được lâu, áp dụng được những gì bản thân đã đọc được thì mới khó. Bài viết này mình sẽ chỉ cho bạn những cách mình đã làm để tìm kiếm, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên học thuật ở trường và cả những nguồn tài nguyên sẵn có trên Google, từ đó sẽ giúp bạn biết được những cách để lựa chọn nguồn tài liệu uy tín và dù phải đọc nhiều nhưng bạn sẽ không cảm thấy bị quá tải hay mau chán.


Tips 1: Bám vào giáo trình, nhưng không phụ thuộc vào giáo trình 100%!


Ở mỗi môn học, chúng mình luôn được giới thiệu sẽ học môn đó theo một cuốn giáo trình chính và ngoài ra sẽ có thêm hàng loạt các sách tài liệu tham khảo khác được đề xuất. Tất nhiên là, chúng ta sẽ không thể nào dành thời gian đọc hết toàn bộ tất cả các quyển sách với kỳ vọng sẽ hiểu tất tần tật kiến thức môn học 100% và áp dụng cách này tương tự cho 4-5 môn học khác trong một học kỳ, điều này dường như là bất khả kháng và sẽ khiến bạn lú hơn chứ không giỏi hơn.


Vậy thì làm sao nhỉ? Hãy lựa chọn nội dung cần thiết để đọc, bám vào giáo trình nhưng cần biết đối chiếu, sàng lọc những thông tin không còn phù hợp với thực tiễn. Trong một bài viết của anh Khiêm Trần, ảnh có chia sẻ một điều làm mình khá bất ngờ rằng “Nhiều trường Đại học phần lớn dựa trên những giáo trình cũ kỹ, ít được cập nhật. Có khi là bê nguyên xi giáo trình nước ngoài về, đưa vào chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, đặt tên rất chi mỹ miều là Chương trình chất lượng cao với học phí gấp đôi”.

Theo mình tìm hiểu, không những trường mình mà rất nhiều trường hiện nay mua bản quyền sách từ CENGAGE LEARNING - một công ty công nghệ và giáo dục toàn cầu cung cấp tài nguyên học tập, giải pháp kỹ thuật số, dịch vụ cá nhân hóa cho sinh viên, nhà giáo dục có trụ sở chính ở Mỹ biên tập và xuất bản tại Singapore. Nhìn chung, mình thấy tất cả những giáo trình do họ xuất bản đều mới và được cập nhật liên tục; chính vì vậy, vấn đề chỉ nằm ở phía nhà trường có đưa giáo trình mới nhất vào chương trình giảng dạy hay không mà thôi.


Tuy nhiên, sinh viên chúng mình hoàn toàn có thể chủ động tìm hiểu nguồn sách mình học là cũ hay mới ngay trên website này, đồng thời bạn cũng có thể khám phá thêm nhiều cuốn sách khác có liên quan hay mang tính bổ sung cho môn học của mình nữa đấy. Hãy lưu lại website này như một kênh tìm kiếm tài liệu, giáo trình chính thống bạn nha!


Tips 2: Nhưng làm sao để biết lựa chọn nội dung cần thiết để đọc và học?


Thông thường, nếu để ý bạn sẽ biết nội dung môn học chỉ lựa ra 8-10 chương trong nguyên bộ giáo trình để dạy và học. Vì vậy, như mình đã đề cập ở trên, chúng ta không cần thiết phải in hết ra toàn cuốn dày mấy trăm trang và đọc nó. Thay vì vậy, chúng mình chỉ cần đọc và hiểu kỹ những chương đã được chọn cho nội dung môn học là đủ rồi; còn với những phần còn lại, ta có thể lưu lại để dành đọc sau hoặc tìm lại đọc bất cứ khi nào cảm thấy cần thiết cho công việc hay chỉ đơn giản là khi bạn thích môn học đó và muốn nghiên cứu sâu hơn nữa các khía cạnh xung quanh nó, bởi suy cho cùng học vẫn là việc cả đời mà.


À nhắc tới việc in tài liệu mới nhớ. Hồi năm nhất, mình với mấy đứa bạn đã từng ngây thơ đi in hết nguyên quyển giáo trình để học môn Toán kinh tế, giờ nghĩ lại thấy sao mà khờ ghê. Những bạn nào cần in ra để ghi chú, tô highlight hay mang lên lớp học thì cũng chỉ nên in những chương mình sẽ học thôi nha, đừng in hết vừa tốn tiền mà vừa nặng cặp nữa. Tuy nhiên, lời khuyên của mình là nếu được thì chúng ta nên đọc trước ở nhà rồi liệt kê những điểm bạn chưa hiểu, vì thực tế là lên lớp cũng ít khi dùng tới sách lắm, chủ yếu là nghe giảng và trao đổi với giảng viên về những thắc mắc của mình trực tiếp thì sẽ hiệu quả hơn.


Tips 3: “Cắm rễ” ở thư viện và tận dụng email trường


Hồi còn học ở Việt Nam, mình thích lên thư viện để làm bài, làm việc nhóm và dợt thử thuyết trình lắm; may mắn cho mình là chiếc thư viện ở TDTU cực kỳ xịn, nên mỗi lần lên đó nhìn mọi người thôi là cũng đủ khiến mình có thêm động lực rồi. Đợt này qua Taiwan, trong lúc làm đề án tốt nghiệp giáo sư có chỉ nhóm mình lên website tìm tài liệu chính thống cho việc viết nội dung chuẩn dạng nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, vấn đề là mình chỉ có thể truy cập website đó khi kết nối wi-fi bằng tài khoản sinh viên mà trường cung cấp do trường đã giúp sinh viên mua quyền truy cập vào một bộ sưu tập lớn các sách học thuật, tạp chí và cơ sở dữ liệu trực tuyến. Cái này mình không biết ở Việt Nam có không, tại mình chưa có thử nhưng mà mình thấy trường bên đó nhiều cái khá là xịn; điều này giúp sinh viên rất nhiều trong việc tìm kiếm nhiều tài nguyên học thuật hay, đáng tin cậy và quan trọng nhất là nó hầu như miễn phí. Không chỉ các tài nguyên học thuật điện tử mà hầu hết các trường đều sở hữu rất nhiều giáo trình xịn, bạn có thể mượn về nhà đọc hoặc xin phép photo hay ngồi học tại chỗ luôn.


Khác với Việt Nam, mình thấy rất nhiều trường ở nước ngoài cung cấp nhiều lợi ích cho sinh viên sau tốt nghiệp, chẳng hạn như việc tài khoản email của sinh viên sẽ không bị thu hồi lại mà được chuyển thành tài khoản email của cựu sinh viên. Điều này tưởng chừng như dư thừa nhưng mình thấy nó cực kỳ có ích mà Việt Nam nên áp dụng, vì nó sẽ giúp sinh viên duy trì việc kết nối với trường cũ, giảng viên cũ hay tham gia vào mạng lưới cựu sinh viên, được hỗ trợ nghề nghiệp và có thể tiếp tục truy cập các tài nguyên học thuật sau khi tốt nghiệp.


Nên là các bạn trẻ ơi, nhân lúc còn là sinh viên và nhân lúc các trường còn đi theo hướng thu hồi lại tài khoản ngay sau khi tốt nghiệp thì hãy tận dụng quyền truy cập càng nhiều càng tốt để học tập nha. Email sinh viên thực sự có ích nhiều hơn các bạn nghĩ chứ không chỉ dừng lại ở việc có thể dùng Canva Pro miễn phí, mua Spotify Premium giá ưu đãi và một số ứng dụng khác nữa đâu nè.


Tips 4: Tìm nguồn uy tín từ các giảng viên, thầy cô thỉnh giảng và mạng lưới bạn bè trường khác


Trong quá trình học tại TDTU, mình có cơ hội tiếp xúc với khá nhiều giảng viên vừa giỏi vừa có tâm, không chỉ là những thầy cô trong trường mà còn các thầy cô thỉnh giảng từ những trường khác đến dạy, chẳng hạn như UEL hay UEH - đều là hai trường “top” mà mình luôn ao ước từ hồi đặt bút ghi nguyện vọng thi vào đại học, thầy cô thỉnh thoảng rất sẵn lòng chia sẻ thêm cho mình nhiều nguồn thông tin có ích từ trường mà họ đang công tác chứ không hoàn toàn dạy theo slide hay giáo trình mà trường mình cung cấp, nhờ đó mà mình biết thêm nhiều nguồn sách tham khảo hơn. Bên cạnh CENGAGE thì PEARSON cũng là giải pháp được nhiều trường đại học lựa chọn, đây là một công ty xuất bản và giáo dục đa quốc gia có trụ sở tại London, Vương quốc Anh.


Tuy nhiên, các giáo trình của hai thương hiệu này xuất bản đều có giá lên đến vài trăm đô mỗi quyển, sẽ rất chát nếu sinh viên Việt phải mua với khoảng giá đó cho tất cả các môn học; đó là lý do vì sao bạn thấy các giảng viên thường chỉ có file sách pdf và sinh viên có thể tải về dùng. Vậy còn cách nào khác để có thể mua sách từ CENGAGE và PEARSON với giá rẻ hơn không?

Có chứ, cách đầu tiên là dùng sách phiên bản Việt. Sau quá trình tìm kiếm, mình đã phát hiện ra rằng có một số giáo trình được đội ngũ giảng viên của hai trường UEL và UEH phiên dịch ra tiếng Việt để giúp sinh viên trước là hiểu rõ kiến thức hơn, vì có những thuật ngữ hay cách giải thích bằng tiếng Anh thật sự khiến chúng mình bị rối và mục đích sau cùng là sinh viên Việt Nam có cơ hội được tiếp cận các đầu sách hay của đất nước bạn với chi phí phù hợp.


Bạn có bao giờ rơi vào tình huống bị các nhóm bạn hoặc thầy cô chặt chém bằng những câu hỏi lắc léo sau khi thuyết trình chưa? Điều này có lẽ thường xuyên xảy ra khi rất nhiều bạn hay có thói quen bê nguyên xi nội dung từ giáo trình nước ngoài vô bài mà không thực sự hiểu do cách diễn đạt của sách khó hiểu, dễ gây nhầm lẫn, khả năng tiếng Anh còn hạn chế hoặc do bạn không đủ thời gian để chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng dẫn đến việc làm ẩu cho xong.


Chỉ khi bạn thực sự hiểu rõ 100% những gì lấy ra trong sách hay các tài liệu tham khảo thì bạn mới có thể pha trộn nội dung một cách mượt mà và đứng “combat” không run được, chính vì vậy những nguồn giáo trình nước ngoài nhưng thuần việt thế này chắc chắn sẽ giúp được bạn đó. Mình đã từng mua rất nhiều bộ sách hay chẳng hạn như Tài Chính Quốc Tế (Jeff Madura), Quản Trị Marketing (Philip Kotler), Kinh Tế Học Vĩ Mô (N.Gregory Mankiw) bản gốc thuần việt vì chương trình học của mình nhiều môn liên quan đến nhau có thể dùng chung một nguồn giáo trình. Giá sẽ dao động từ 200k-700k, rẻ hơn nhiều so với sách gốc bản tiếng Anh và bạn có thể mua trên các sàn thương mại điện tử hoặc ở UEH Book, Nhà Sách Kinh Tế, Sách Kinh TếNhà Sách Hải An.

Cách thứ hai là dùng sách phiên bản photocopy. Trong trường hợp bạn không có ý định tìm hiểu sâu môn học đó, lĩnh vực đó thì như mình nói, bạn hoàn toàn có thể in ra những phần mình cần học là đủ rồi. Vấn đề là, không có bản gốc thì lấy đâu ra để photo? Lại một lần nữa mình cảm nhận được tầm quan trọng của những mối quan hệ chất lượng, đôi khi có những thứ trên đời sẽ đỡ rắc rối hơn nếu bạn biết xây dựng, duy trì và tận dụng mạng lưới bạn bè. Mình có một số bạn học chung hồi cấp hai học tại UEH đến giờ lâu lâu vẫn còn liên lạc, nên là mình từng mượn tài liệu của họ rất nhiều, nhờ vậy mà mình được giới thiệu nơi mua giáo trình photo giá rẻ hay khi trên mạng nhiều nơi không bán và xảy ra tình trạng hết hàng/không còn kinh doanh. Bạn mình nói hai chỗ này có sẵn rất nhiều loại giáo trình photo tiếng Anh mà trường bạn lựa chọn để dạy, còn sách phiên dịch Việt thì mình không biết họ có hay không, bạn cứ đến đó hỏi thử nếu muốn. Địa chỉ này nha:

2 tiệm photo tên Hạnh với Lạc đối diện UEH cơ sở B trên đường Đào Duy Từ (Q10).

Tips 5: Đừng bỏ qua những học liệu mở từ Fulbright!


Fulbright là trường đại học tư thục không vì lợi nhuận, hoạt động độc lập theo mô hình giáo dục khai phóng đầu tiên của Việt Nam. Mình biết đến trường này thông qua anh Khang A Tủa, chị Nguyễn Lâm Thảo Tâm, một người bạn cùng trường hồi cấp hai và gần đây nhất là người thầy đã dạy tiếng Anh cho mình tại TDTU. Tuy mỗi người có câu chuyện, hành trình truyền cảm hứng khác nhau nhưng không hiểu sao mình luôn cảm nhận được điểm chung ở họ là sự nổi bật không lẫn vào đâu được, nó có điều gì đó rất khác biệt so với các sinh viên trường khác mà mình không biết giải thích làm sao.

Do biết nhiều người là sinh viên của Fulbright như vậy nên mình đã tò mò vô website của trường khám phá và vô tình tìm ra được mục “Học liệu mở”. Trong này có rất nhiều nguồn tài liệu công khai miễn phí ở phần bài đọc và bài giảng, tất nhiên là có bị giới hạn trong phạm vi nhất định vì mình không phải là sinh viên của trường nên không phải môn học nào cũng truy cập vào xem tự do được.


Thêm một điều nữa mình cảm nhận được, đó là thế mạnh của trường là nghiên cứu. Nó thể hiện rõ qua việc trường có hẳn một danh mục “Nghiên cứu” chia sẻ các chủ đề đang thực hiện, các ấn phẩm do chính những giảng viên của trường là những nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm trong việc kiến tạo kiến thức có ích cho cộng đồng học thuật và cả những nghiên cứu tình huống (case studies) mà FSPPM công bố phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Hồi học mấy môn đại cương, mình hay vào đây tìm thông tin và sau này là tìm hiểu về nghiên cứu định lượng cho mục đích làm đề án tốt nghiệp. Bạn có thể chủ động tìm đọc và học nha, đây là một trong những nguồn rất chất lượng đó; các công bố nghiên cứu khoa học thì trường nào cũng có nhưng học liệu mở thì mình thấy rất hiếm.


Cuối cùng, mình muốn lưu ý lại với các bạn một điều là các nguồn tài liệu học thuật bạn tìm ra được dù có xịn thế nào thì cũng cần phải tương đồng hoặc ít nhất là không quá xa rời với chương trình giảng dạy của trường bạn đang theo học. Từ nãy đến giờ mình chia sẻ với bạn rất nhiều thứ nhưng điểm chung của chúng là dù học theo giáo trình trường mình hay từ các trường khác do giảng viên thỉnh giảng giới thiệu, mượn từ bạn bè thì đều có điểm chung là chúng đều lấy từ giáo trình nước ngoài, những nguồn khác nữa mình tham khảo và đọc rất nhiều nhưng mục đích thường là bổ sung kiến thức, trường hợp cần dùng cho vào bất kỳ dự án hay bài tập nào mình đều có lọc ý và cân nhắc kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, mình biết một số trường hiện nay vẫn còn dạy theo giáo trình Việt Nam hoặc là từ các nguồn do giảng viên, tác giả nào đó có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tự biên soạn được đánh giá cao và đưa vào chương trình, cho nên cách tốt nhất là bạn vẫn nên tìm hiểu thật kỹ bất kỳ nguồn tài liệu học thuật nào trước khi tải về hay bỏ tiền ra mua vì có thể là nguồn bạn tìm được rất tốt nhưng có thực sự hữu ích với bạn không thì chưa chắc nha :)))).

Bài viết hôm nay mình chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm tài nguyên học thuật chủ yếu là sách giáo trình, sách tham khảo và cách tận dụng quyền sinh viên trong việc sử dụng những tài nguyên này sao cho hiệu quả.


Thế nhưng, chỉ đọc sách thôi vẫn chưa đủ đâu mà cần phải biết linh hoạt các nguồn thông tin sẵn có trên mạng nữa. Vì bài hôm nay cũng khá dài rồi, nên là bài viết lần sau mình sẽ chỉ bạn cách mình tìm kiếm và chọn lọc thông tin phục vụ cho ngành học của mình để cho ra một bài thuyết trình ấn tượng nha. Cảm ơn bạn rất nhiều đã dành thời gian đọc đến tận đây, hi vọng những gì mình chia sẻ sẽ có ích với bạn.


Love,

Catherine Nguyen

19 lượt xem0 bình luận

Yorumlar


Bạn có muốn nhận được thông báo sớm khi mình có bài viết mới không? Để lại email nhé!

Cảm ơn bạn đã luôn tin tưởng và ủng hộ mình! 

bottom of page